Những năm gần đây, hàng loạt sự việc xảy ra ở quy mô trên toàn thế giới đã khiến mọi người rơi vào trạng thái không gì có thể làm họ bất ngờ hơn được nữa, từ COVID-19, tác động từ chiến sự Nga – Ukraine đến khủng hoảng kinh tế. Hệ quả là các thương hiệu phải thay đổi chiến lược marketing và tiếp cận khách hàng để đáp ứng với sự thay đổi trong thói quen và hành vi của người tiêu dùng.
Để đáp ứng với những thay đổi này, các thương hiệu phải thay đổi chiến lược marketing của mình để tạo ra giá trị cho người tiêu dùng, tìm cách tạo ra kết nối với khách hàng để xây dựng niềm tin và lòng trung thành.
Nhiều thương hiệu đã đầu tư vào việc tạo ra các trải nghiệm và chương trình có ý nghĩa như các hoạt động quyên góp cho cộng đồng, các chương trình ưu đãi đặc biệt cho khách hàng thân thiết và các sự kiện mang tính tương tác với thương hiệu. Điều này giúp tạo ra mối quan hệ bền vững với khách hàng và giúp tăng độ tin cậy vào thương hiệu.
Dưới đây là 5 case study mà các thương hiệu có thể học được từ các chiến dịch truyền cảm hứng trong giai đoạn đại dịch vừa qua để xây dựng sự gắn kết về mặt cảm xúc với khách hàng:
1. Case study Chiến dịch của hãng bia Guinness
Chiến dịch marketing của Guinness trong đại dịch COVID-19 đã đạt thành công nhờ video “Thông điệp Ngày Thánh Patrick” vào tháng 3/2021. Trong bối cảnh lệnh phong tỏa đang được áp dụng và đại dịch đang hoành hành ở châu Âu và Bắc Mỹ, chiến dịch của Guinness đã tạo nên cảm xúc đồng điệu về giá trị và tinh thần cộng đồng.
Chiến dịch tập trung vào việc kêu gọi mọi người cùng đứng vững, chia sẻ tinh thần đoàn kết và đồng cảm với nhau trong thời gian khó khăn, đồng thời tôn vinh Ngày Thánh Patrick – một ngày lễ quan trọng và truyền thống của người Ireland. Hoạt động được đánh giá thành công trong việc tạo ra giá trị kết nối cộng đồng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên toàn cầu.
Chiến dịch “Thông điệp Ngày Thánh Patrick” của Guinness
Thông điệp kết nối của chiến dịch truyền tải thông qua nhiều kênh truyền thông khác nhau, bao gồm truyền hình, truyền thông xã hội và các hoạt động trực tuyến. Chiến dịch đã thu hút sự chú ý và tạo ra sự tương tác tích cực với khách hàng của Guinness trên khắp thế giới. Bằng cách tập trung vào giá trị kết nối cộng đồng và tinh thần đoàn kết, chiến dịch đã giúp Guinness tạo ra một hình ảnh tích cực trong việc duy trì mối quan hệ với khách hàng của mình.
2. Case study Chiến dịch của hãng bia BrewDog
BrewDog, nhà cung cấp bia thủ công được yêu thích tại Aberdeen, đã tích cực đối phó với đại dịch bằng cách sử dụng tài nguyên của mình để tạo ra sản phẩm khử trùng tay mang tên Punk Sanitiser.
Cụ thể, trong thời điểm chất khử trùng tay đang trở nên khan hiếm giữa đại dịch, thương hiệu đã quyết định sản xuất lô lớn sản phẩm Punk Sanitiser và gửi miễn phí cho nhiều nơi tại Vương quốc Anh. Sản phẩm được chế tạo từ các thành phần có sẵn trong quá trình sản xuất bia của BrewDog và sản xuất theo tiêu chuẩn y tế.
BrewDog giới thiệu sáng kiến về sản phẩm Punk Sanitiser dùng khử trùng
Sáng kiến đã thu hút sự chú ý của nhiều người vì tính thiết thực và tác động tích cực trong trong thời kỳ hỗn loạn. Đồng thời, sáng kiến này còn được các nhà máy bia và nhà máy chưng cất khác trên thế giới áp dụng. Trong quá trình thực hiện, BrewDog đã cung cấp các thông tin cập nhật thường xuyên thông qua blog của mình, đồng thời hoạt động tích cực trên các nền tảng mạng xã hội như Twitter và Instagram. Chiến dịch đã giúp BrewDog duy trì kết nối với khán giả trong suốt thời kỳ đại dịch và đồng thời tạo tiếng vang thực sự trong cộng đồng.
3. Case study Chiến dịch của Fairmont Banff Springs Hotel
Vào giai đoạn đầu đại dịch COVID-19, các khách sạn và resort trên toàn thế giới phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của virus. Để duy trì hình ảnh và mối quan hệ với khách hàng trong thời gian giãn cách, nhân viên của khách sạn Banff Springs ở Canada đã sáng tạo ra một chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội với mục đích tăng cường kết nối với cộng đồng.
Với tên gọi “Nghệ thuật chờ đợi” (The Art of Waiting), chiến dịch này tập trung vào những video ngắn được sản xuất bởi nhân viên của Banff Springs với nhiều hoạt động trong khách sạn nhằm tạo ra cảm giác hoài niệm, chờ đợi, mong chờ được gặp lại các vị khách tương lai sau khi đại dịch kết thúc.
Chiến dịch “The Art of Waiting” của khách sạn Banff Springs tại Canada
Không chỉ vậy, chiến dịch này còn mang tính xã hội cao khi kêu gọi khách hàng của khách sạn và cộng đồng địa phương tham gia tương tác. Bên cạnh đó, nhân viên của khách sạn cũng đăng tải các bức ảnh của khách hàng đã ghé thăm khách sạn để chia sẻ những kỷ niệm đẹp.
4. Case study Chiến dịch của Nike
Việc duy trì thể lực và sức khỏe cá nhân trong thời kỳ đại dịch COVID-19 trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của nhiều người. Nike đã nhận thấy điều này và quyết định hỗ trợ người tiêu dùng duy trì thể lực và sức khỏe của họ thông qua việc cung cấp miễn phí nội dung liên quan đến việc tập luyện.
Tuy nhiên, Nike không chỉ dừng lại ở việc cung cấp nội dung tập luyện miễn phí mà còn mở rộng thông điệp của mình về sức khỏe và thể dục trên nhiều nền tảng khác nhau như các kênh truyền thông xã hội, trang web và thậm chí trên podcast.
Chiến dịch của Nike đã giúp duy trì mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng
Một trong những điểm nổi bật của chiến dịch này là tính đa kênh. Bằng cách sử dụng nhiều kênh truyền thông khác nhau để đưa ra thông điệp của mình, Nike có thể tiếp cận với nhiều nhóm đối tượng khách hàng, từ những người trẻ tuổi, lớn tuổi cho đến những người yêu thích thể thao hay những người chỉ muốn duy trì sức khỏe.
Ngoài ra, chiến dịch này cũng có tác động tích cực đến doanh số bán hàng của thương hiệu tại Trung Quốc trong thời gian đại dịch COVID-19. Trong khi nhiều doanh nghiệp khác đang gặp khó khăn trong việc duy trì doanh số, Nike đã chứng minh được rằng việc hỗ trợ khách hàng và tạo ra giá trị cho cộng đồng có thể giúp thương hiệu tiếp tục phát triển và thành công trong thời gian khó khăn.
5. Case study Chiến dịch của Lego
Chiến dịch của Lego là một ví dụ khác trong việc tạo ra giá trị cho khách hàng thông qua nội dung chất lượng để duy trì và phát triển thương hiệu. Chiến dịch đã nhắm đến gia đình và trẻ em, một nhóm nhân khẩu học quan trọng và đầy tiềm năng, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19.
Chiến dịch của Lego đã nhắm đến đối tượng gia đình và trẻ em
Thông qua video hoạt hình và các gợi ý giáo dục đóng vai trò tích cực trong cuộc khủng hoảng, Lego đã tạo ra một mối liên hệ đích thực với khách hàng và truyền cảm hứng cho họ trong việc tạo ra những trải nghiệm đầy sáng tạo tại nhà. Sự kết hợp giữa các sáng kiến dựa trên yếu tố STEM (cách tiếp cận giáo dục dựa trên những lĩnh vực khoa học kỹ thuật) và STEAM (phương pháp sử dụng nghệ thuật để giúp học sinh phát triển kỹ năng tư duy logic, sáng tạo và giải quyết vấn đề) đã giúp trẻ em phát triển khả năng tư duy và kỹ năng sáng tạo của mình, đồng thời giúp cha mẹ đưa ra các phương pháp giáo dục đa dạng và hiệu quả.
Lời kết
Trong thời điểm khó khăn, các doanh nghiệp đã phải đưa ra nhiều thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận và tương tác với khách hàng. Những chiến dịch này phần lớn tập trung vào việc tạo giá trị cho khách hàng thông qua nội dung chất lượng và đa kênh. Từ việc cung cấp giải pháp cho các vấn đề cấp bách đến truyền tải thông điệp tích cực và mang lại giá trị giáo dục, các chiến dịch đã tạo mối liên hệ chặt chẽ với khách hàng và giúp thương hiệu đứng vững trong thời điểm khó khăn.
Những case study này sẽ các thương hiệu hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc tạo giá trị và phát triển mối quan hệ với khách hàng. Điều này không chỉ giúp duy trì sự hiện diện tích cực của thương hiệu mà còn giúp thương hiệu trở thành một phần trong đời sống của khách hàng với đóng góp những giá trị thiết thực cho xã hội.
Quan Dinh H.
Nguồn: Digital Marketing Institute