Skip links

Thuật toán Facebook hoạt động thế nào? Cách dựa theo thuật toán nhằm tăng reach?

Bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao cùng là bài viết trên một fanpage có bài reach cao, có bài reach rất thấp? Tại sao có những dạng content đã từng rất hiệu quả trong quá khứ, một thời gian sau lại flop? Tất cả những điều trên đều được chi phối bởi thuật toán của Facebook hay còn gọi là Facebook algorithm.

Nếu bạn vẫn chưa rõ thuật toán hoạt động thế nào? Những quy tắc nào quyết định những nội dung nào sẽ được hiển thị, thì hãy cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu trong bài viết này nhé!

1. Thuật toán Facebook (Facebook Algorithm) là gì?

Thuật toán Facebook là một loạt những công thức, phép toán với nhiều biến số xếp hạng khác nhau được sử dụng để dự đoán bài post nào sẽ mang nhiều giá trị nhất với một người dùng để giữ họ ở lại platform càng lâu càng tốt.

Nói một cách đơn giản, thay vì hiển thị tất cả các bài post có trên Facebook đến một người dùng, thuật toán Facebook sẽ cân nhắc, chấm điểm từng bài post dựa trên các yếu tố xếp hạng, sở thích của từng người, từ đó quyết định việc một người dùng sẽ nhìn thấy những bài post nào, theo thứ tự nào mỗi khi họ lướt feed.

Đọc thêm: Hé lộ 7 sự thật “bất ngờ bật ngửa” về Facebook – Trang mạng xã hội lớn nhất hành tinh

2. Thuật toán Facebook hoạt động dựa trên những yếu tố nào?

Mặc dù thuật toán Facebook luôn được thay đổi, cập nhật thường xuyên, nhằm đáp ứng được sự thay đổi liên tục trong sở thích của người dùng, nó vẫn hoạt động dựa trên 4 yếu tố chính

Inventory

Inventory là thuật ngữ dùng để chỉ tất cả các bài post có khả năng được hiện trên newsfeed của một người dùng.

Signals

Signals hiểu đơn giản là những tín hiệu giúp Facebook nhận biết được đâu là những bài viết “có giá trị” với người dùng. Những “tín hiệu” này, được chia thành 2 nhóm:

  • Active signals: Bao gồm những hành động làm tăng tương tác như likes, bày tỏ cảm xúc, chia sẻ, bình luận.
  • Passive signals: Bao gồm những yếu tố khác như thời gian xem, thời gian post bài, loại nội dung,…

Và đặc biệt có 4 “tín hiệu xếp hạng” (ranking signals) được Facebook tiết lộ rằng sẽ mang đến ảnh hưởng lớn đến cách thuật toán phân phối bài viết, đó là:

●      Relationships: Bài post có đến từ tài khoản, doanh nghiệp, hay group mà người dùng thường xuyên tương tác (nhắn tin, theo dõi, bình luận,…) hay không?

●      Popularity: Những người đã nhìn thấy bài viết tương tác với bài viết thế nào? Họ có bày tỏ cảm xúc, chia sẻ, bình luận hay hoàn toàn bỏ qua bài viết?

●      Content-Type: Định dạng nội dung (video, hình ảnh, link,…) mà người dùng thường xuyên tương tác nhất là gì? Người dùng dành bao nhiêu thời gian cho mỗi bài post như vậy?

●      Recency: Bài viết được đăng vào thời gian nào? Lưu ý: những bài đăng mới hơn luôn được ưu tiên hiển thị trước những bài đăng cũ hơn.

Predictions

Facebook sẽ dựa vào profile cá nhân, danh sách bạn bè, các hoạt động trong quá khứ,… để đưa ra dự đoán về những nội dung, chủ đề bạn sẽ có khả năng cao tương tác nhất.

Relevancy Score

Đây là yếu tố giúp Facebook xác định mức độ liên quan của nội dung bài đăng với mỗi một người dùng cụ thể. Điểm liên quan càng cao, bài viết sẽ càng được ưu tiên hiển thị.

3. Cách thuật toán Facebook phân phối bài viết trên feed

Dựa trên 4 yếu tố trên Facebook sẽ đánh giá và xếp hạng từng bài post, từ đó hiển thị một danh sách các bài post khác nhau đến những người dùng khác nhau.

Để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy chia nhỏ quy trình này thành 4 bước:

Bước 1: Thu thập bài post

Thuật toán Facebook sẽ thu thập tất cả các bài post có khả năng được hiện trên newsfeed của người dùng (Inventory) dựa trên danh sách bạn bè, page mà họ đang follow, group mà họ đang tham gia. Ngoài ra, Facebook cũng sẽ thu thập tất cả những quảng cáo được target đến người dùng ở bước này.

Bước 2: Đánh giá bài viết

Facebook sẽ dựa trên các đặc điểm xếp hạng (Ranking Signals) như dạng bài đăng, thời gian đăng, mức độ phổ biến,… dự đoán các bài đăng khác nhau có giá trị như thế nào đối với một người dùng cụ thể, từ đó đánh giá và xếp hạng từng bài post.

Bước 3: Lập danh sách ưu tiên

Sau đó Facebook sẽ tiến vào giai đoạn 3, đó là đánh giá dựa trên những dự đoán (Predictions) về việc người dùng sẽ tương tác với bài viết đó thế nào. Dự đoán này sẽ dựa vào mức độ liên quan của bài viết (Relevancy Score), tương tác và hoạt động trong quá khứ của mỗi tài khoản.

Ví dụ: Nếu trong khoảng thời gian gần đây bạn đang hoạt động năng nổ (tương tác, comment, share) tại group 500 anh em Inhouse, có khả năng cao bạn sẽ tiếp tục tương tác với các bài viết trong nhóm này nếu Facebook hiển thị chúng trên newsfeed của bạn. Facebook sẽ cho điểm cao hơn cho những bài viết trong nhóm này.

Bước 4: Đa dạng hóa nội dung

Bước cuối cùng chính là sắp xếp lại các định dạng content khác nhau từ các nguồn khác nhau để nội dung newsfeed đa dạng và giữ người dùng ở lại lâu hơn.

Ví dụ: Sau khi trải qua 3 bước trên Facebook xếp hạng được top 30 nội dung phù hợp nhất để hiển thị trên feed bao gồm 5 video, 2 bài dạng album ảnh, 2 bài ads, 13 post dạng một ảnh, 5 post dạng text, 3 post từ group. Thay vì show lần lượt 5 video, 2 album ảnh, 2 bài ads,… thuật toán Facebook sẽ đan xen các bài với nhau: video, bài ad, bài từ group, post dạng text, bài ad,…

4. Tips tận dụng thuật toán Facebook để tăng reach cho bài viết

Vậy là bạn đã hiểu cơ bản về cách mà Facebook phân phối các bài viết đến người dùng, câu hỏi tiếp theo được đặt ra ở đây là: Làm sao để tận dụng thuật toán Facebook nhằm cải thiện reach cho các bài post?

Nếu đây là điều bạn đang băn khoăn, hãy thử tham khảo một vài gợi ý từ Tomorrow Marketers nhé!

4.1. Sử dụng định dạng nội dung phổ biến

Thuật toán Facebook đánh giá “giá trị” của một bài post dựa vào việc những người đã nhìn thấy tương tác với bài viết thế nào. Những bài có tương tác càng nhiều, thì càng dễ tiếp cận nhiều người hơn. Chính vì vậy, việc đầu tư vào những dạng nội dung tạo được tương tác, sẽ giúp bài viết tiếp cận khách hàng dễ hơn.

Nhưng làm sao để biết những nội dung nào đang tạo được tương tác tốt?

Ngoài việc dựa vào dữ liệu trong quá khứ để xác định những dạng nội dung được tương tác nhiều hơn cả, bạn có thể quan sát đối thủ, hoặc những page, group lớn có đặc điểm tương tự với mình, xem họ đang làm những dạng content nào, dạng nào được nhiều tương tác, dạng nào không, từ đó thử nghiệm cho nội dung của mình.

Ví dụ: Dạng sử dụng text để thu hút sự chú ý, kêu gọi người dùng đọc nội dung dưới comment trong thời gian này đang hiệu quả, được nhiều page sử dụng, bạn hoàn toàn có thể thử nghiệm dạng content này.

4.2. Đa dạng hóa các dạng nội dung

Như đã đề cập đến điều này ở bước 4 của thuật toán, thay vì hiển thị liên tục một định dạng nội dung, Facebook sẽ muốn đa dạng hóa để giữ chân người dùng, vì vậy các bài viết trên Fanpage của bạn ngoài việc sử dụng những định dạng đang phổ biến để thu hút tương tác từ người dùng, vẫn nên triển khai đồng thời những định dạng nội dung khác như text, video, album ảnh, 1 ảnh,…

4.3. Tận dụng group để tiếp cận với khách hàng

Group là nơi kết nối những người có cùng sở thích, chung vấn đề, và những mối quan tâm.

Ví dụ: Group 500 anh em Inhouse là nơi kết nối những marketers quan tâm đến việc xây dựng team, đào tạo đội ngũ, phát triển năng lực dành tại môi trường Inhouse.

Vì có chung những mối quan tâm, người dùng sẽ có xu hướng trở nên chủ động hơn trong việc trao đổi, tương tác, kết nối với những người khác. Việc người dùng tương tác nhiều sẽ ảnh hưởng tích cực đến điểm xếp hạng của bài viết, từ đó tăng khả năng bài viết được hiển thị.

Ngoài ra, đối tượng tham gia Group thường là những người đã có sự quan tâm nhất định đến một vấn đề cụ thể. Nếu sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp có thể giải quyết được vấn đề đó, bạn hoàn toàn có thể sử dụng group như một kênh truyền thông giúp tiếp cận trúng đối tượng mục tiêu dễ dàng hơn.

Đọc thêm: Chiến lược xây dựng Group cộng đồng trên Facebook

4.4. Tận dụng những tính năng mới

Ngày 23/2/2022 mới đây, Meta chính thức giới thiệu Facebook Reels dành cho iOS và Android đến hơn 150 quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Tương tự như thời điểm khi mới ra mắt Instagram Reels, Facebook đang dồn rất nhiều nguồn lực và sự chú ý của mình vào tính năng mới – Facebook Reels này, và đương nhiên, thuật toán của Facebook cũng sẽ dành một sự ưu tiên đặc biệt cho phép các video trên Reels có thể tiếp cận đến nhiều đối tượng mục tiêu hơn.

Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu tận dụng các dạng video ngắn để tăng lượt hiển thị cho các bài viết của mình

Đọc thêm: Metaverse đang định hình lại không gian Marketing trên Digital như thế nào?

Kết luận

Nếu bạn đang sử dụng Facebook như một kênh truyền thông, việc hiểu được cơ chế hoạt động, cách thuật toán phân phối các bài viết sẽ giúp bạn đưa nội dung & thông điệp đến đối tượng mục tiêu dễ dàng hơn. Tham khảo ngay khóa học Digital Foundation để hiểu thêm về nguyên lý hoạt động của các platform nhằm lập được một kế hoạch Digital Marketing bài bản nhé!

 

Content retrieved from: https://blog.tomorrowmarketers.org/thuat-toan-facebook-hoat-dong-the-nao/.

Tư vấn và bắt tay vào tìm kiếm khách hàng ngay hôm nay!
Tư vấn và bắt tay vào tìm kiếm khách hàng ngay hôm nay!